Bi hài chuyện đòi xét nghiệm ADN cho trâu, bò để tìm “chính chủ”




Vốn là những hàng xóm thân tình nhưng chỉ vì con “bò lạc” mà lôi nhau đi kiện tụng. Do con trâu, con bò không biết nói mà cũng chẳng biết nhận chủ nên việc phân xử khó như “lên trời”. Và cách công bằng nhất mà những vụ kiện tụng chưa có tiền lệ này đưa ra là, đi xét nghiệm ADN cho… trâu, bò xem ai “nhận nhầm”.




Đây có lẽ là vụ án khiến cơ quan chức năng “đau đầu” nhất vì một lý do: Cả hai nhà đều nhận một con trâu là của mình, đã dùng mọi cách để xác nhận chủ nhân nhưng vẫn không thuyết phục được người trong cuộc. Cuối cùng cơ quan chức năng đành phải sử dụng giải pháp là giám định ADN cho trâu để xác nhận chủ nhân thực sự của nó. Câu chuyện hy hữu này xảy ra ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang giữa hai hộ dân nuôi trâu là ông Đặng Bá Hoàng và ông Tô Văn Trọng.


Người dân ở đây có tập tục chăn nuôi trâu theo phương thức thả rông trên rừng cả tuần, thậm chí cả tháng mới đi tìm một lần, do đó nhiều gia đình bị kẻ xấu bắt trộm trâu từ lúc nào cũng không hay. Sự việc bắt đầu từ ngày 6.2.2013 khi ông Trọng bán con nghé với giá 17 triệu đồng cho một người buôn trâu. Khi con trâu đã được đưa lên xe ôtô để chở đi thì anh Nguyễn Văn Nam (trú tại thôn Tó, xã Nghĩa Phương) nhận thấy con trâu này giống với con trâu mà ông Hoàng vừa kêu mất nên gọi điện báo cho ông Hoàng đến nhận dạng. Ông Hoàng chạy đến nơi thì nhận ra đây đúng là con trâu của mình.

Sau đó, ông Hoàng yêu cầu hai người mua trâu chở con trâu này về nhà mình rồi gọi công an xã tới lập biên bản. Trước việc trình báo của ông Hoàng, các cán bộ công an xã đã có mặt và lập biên bản vụ việc. Tại trụ sở công an xã, ông Hoàng một mực khẳng định, con trâu này là của mình và trâu đã bị ông Trọng bắt trộm rồi đem bán. Trong khi đó, ông Trọng cũng kiên quyết khẳng định, con trâu này do gia đình ông nuôi chứ hoàn toàn không có chuyện ông bắt trộm trâu nhà ông Hoàng rồi đem bán.

Ban đầu, chính quyền xã yêu cầu ông Trọng và ông Hoàng miêu tả đặc điểm của con trâu để xác định xem ai là chủ nhân, nhưng ai cũng miêu tả được vì đều đã tiếp xúc với con trâu. Sau đó, chính quyền xã lại quyết định yêu cầu hai ông dắt đàn trâu của mình tới cho tiếp xúc với con trâu tranh chấp này, nếu nó theo đàn trâu của nhà ai thì thì đích thị là con trâu của nhà đó.

Ông Trọng nhất trí ngay, tuy nhiên ông Hoàng lại không đồng ý với cách này vì nói rằng trâu mẹ của con trâu đang tranh chấp đã chết rét từ mấy năm trước đó. Trong khi đó, trâu nhà ông Hoàng và ông Trọng lại thả chung trong một cánh rừng từ lâu, rất có thể chúng đã quen hơi nhau nên việc trâu của nhà nọ theo đàn của nhà kia là điều bình thường. Theo ông Hoàng, cách làm này là không thuyết phục.

Cuộc phân xử căng thẳng kéo dài đến tận 28 Tết âm lịch vẫn chưa phân minh. Sự việc được xác định là đã vượt quá thẩm quyền của chính quyền xã. Toàn bộ hồ sơ vụ việc sau đó được chuyển lên Công an huyện Lục Nam thụ lý. Sau nhiều cách phân giải mà vẫn không thể thuyết phục được cả hai bên, cuối cùng Công an huyện Lục Nam đưa ra giải pháp lấy mẫu mô từ con trâu tranh chấp và con trâu mẹ để giám định ADN. Chi phí để làm giám định không nhỏ nên cơ quan công an yêu cầu mỗi gia đình ứng trước 10 triệu đồng, thừa thiếu đâu sẽ yêu cầu bên nhận nhầm phải nộp, còn chủ nhân chính xác của con trâu được trả lại tiền.

Ông Nguyễn Duy Sự - Trưởng Công an xã Nghĩa Phương - cho biết: Với cách xác định này, ông Trọng hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đã lấy mẫu xong xuôi, chỉ chờ ông Hoàng đóng tiền là gửi đi giám định thì ông Hoàng lại không đồng ý với lý do, chi phí giám định rất tốn kém, có thể đến 40 triệu đồng, trong khi con trâu chỉ có giá gần 20 triệu đồng. Nếu kết quả giám định không chính xác, ông vừa bị mất trâu vừa mất tiền nên ông không đồng ý. Kết quả là, đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa phân định được rõ ràng con trâu nói trên là của người nào vì các cơ quan chức năng đều đã hết cách còn ông Hoàng thì vẫn không chịu thuyết phục và tiếp tục đi kiện.

ảnh 1
Ông Nguyễn Duy Sự - Trưởng công an xã Nghĩa Phương - trao đổi với phóng viên.
Kỳ án xét nghiệm ADN tìm “mẹ ruột” cho bò

Vì con “bò lạc” mà hai cụ già mang nhau kiện lên kiện xuống nhiều lần. Và câu chuyện vẫn chưa có hồi kết khi việc xét nghiệm ADN cũng không làm thỏa mãn được “chính chủ” của con bò. Câu chuyện xảy ra vào giữa tháng 4.2013, ông Nguyễn Văn Phẩm (75 tuổi, trú tổ 134, khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tới cơ quan chức năng tố cáo người hàng xóm là ông Trần Văn Toan (64 tuổi) đã tự ý "chiếm đoạt" và toan xẻ thịt con bê đực của cụ.

Do hai đàn bò của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phẩm và Trần Văn Toan chăn thả gần nhau nên dẫn tới việc “nhận nhầm” bò. Vì vậy mới dẫn đến câu chuyện kỳ cục và rất bi hài giữa 2 ông già vừa là bạn hàng xóm vừa "đồng nghiệp" của nhau là "vác đơn đi tranh kiện con bò".

Bấy giờ, vào ngày 10.4.2013, khi được thương lái ngã giá hời một con bê thịt giá 8,2 triệu đồng, ông Toan đồng ý ngay. Ông Toan vội dắt lái đàn bò và chỉ ngay vào một con bê đực rất béo khỏe, đang gặm cỏ cùng với đàn bò lố nhố 6 - 7 con của ông. Đám trẻ chăn bò ở gần thấy ông Toan cho thương lái dắt con bê đực đi thì vội chạy lại can ngăn, bảo con bê này là của nhà ông Phẩm.

Ông Phẩm nhận được tin báo vội vàng sai thằng cháu nội chở lên rẫy để "đòi lại tài sản". Hôm đó, trên rẫy bò, một trận cãi cọ, ẩu đả tranh giành bò bất phân thắng bại đã diễn ra. Ông Phẩm làm đơn kiện ông Toan và từ đó hai ông không thèm nhìn mặt nhau. Thậm chí, trong lúc giận dữ, 2 ông thề chỉ gặp mặt nhau tại công an phường lúc giải quyết vụ "con bò". Sau nhiều lần hòa giải, mang nhau ra tòa mà cũng không phân xử được, nguyên đơn yêu cầu giám định ADN cho con bê trên nhằm xác định mẹ bò ở đàn nào. Nếu sau khi xét nghiệm ADN, bên nào thua sẽ phải chịu bồi hoàn toàn bộ chi phí làm xét nghiệm, cũng như trả lại con bê cho "chính chủ" của nó…

Nhiều ngày sau, ông Phẩm huy động con cháu trong nhà, nhờ cậy khắp nơi tìm chỗ xét nghiệm ADN cho bê. Ông Phẩm cũng chịu không ít lời gièm pha, xì xầm bàn tán của người dân khắp khu Đà Sơn về việc làm lạ đời, kỳ cục có một không hai của mình. Trong lúc ông Phẩm đang tích cực tiến hành thì vào giữa tháng 9.2013, ông Phẩm nhận được hung tin: "Con bê đang tranh chấp đã bị ông Toan không giữ cam kết, xẻ thịt bán mất rồi!”. Tức tối ông tuyên bố: “Cho dù còn "khúc xương bò khô" tui cũng đem đi xét nghiệm ADN”.

Không có nhận xét nào: