Chi tiền hỏi cưới có đòi được không?



Một vụ kiện hi hữu ở đồng bằng sông Cửu Long: gia đình nhà trai kiện
đòi tiền trước đó đã chi cho nhà gái, nhưng chưa tới đám cưới thì nhà gái hủy hôn.


Vụ việc xảy ra tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), nhà gái thắng kiện. Nhà trai kháng cáo.

Hỏi cưới, 
nhà gái hủy hôn

Theo bản án, ngày 6-11-2012 ông H.P.P. và bà T.K.C. (ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đến gia đình ông L.V.N. và bà N.T.M. ở huyện Phong Điền hỏi cưới con gái ông bà là L.T.B.T. cho con trai ông P. và bà C. là anh H.P.K..

Hai bên gia đình đã đồng ý cho tổ chức lễ cưới theo nghi lễ truyền thống và cũng theo thỏa thuận tại đám hỏi, nhà trai sẽ giao cho nhà gái 30 triệu đồng tiền mâm bàn (còn gọi là tiền chợ) và cho cô dâu 1 lượng vàng 24K.

Dự định tiệc cưới sẽ tổ chức vào ngày 19-1-2013, tuy nhiên trước ngày cưới khoảng nửa tháng thì nhà gái hủy hôn, trả lại 1 lượng vàng.

Sau nhiều lần thương lượng không thành, nhà trai khởi kiện đòi lại 30 triệu đồng vì cho rằng phía nhà gái đã chủ động hủy bỏ lễ cưới, mà số tiền này được trao cho phía nhà gái để tổ chức lễ cưới.

Tại tòa, gia đình ông N. cho rằng tại lễ hỏi, phía nhà trai có hơn 30 người đến dự lễ và ăn tiệc. Còn việc hủy hôn là do trước khi đến ngày cưới, bà C. phải phẫu thuật nên mượn cô dâu đến nhà, tuy nhiên anh K. lại đánh đập chị T., ép “quan hệ”.

Do bị đánh đập nên chị T. không chịu nổi phải về nhà cha mẹ. Vì vậy, ông N. không đồng ý trả lại 30 triệu đồng cho nhà trai.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của ông P. cho rằng theo điều 470 Bộ luật dân sự, số tiền 30 triệu đồng là “tặng cho có điều kiện”.

Ông P. và bà C. đưa tiền đó để hỗ trợ ông N. và bà M. tổ chức đám cưới cho anh K. và chị T. nhưng cuối cùng không tổ chức. Ngoài ra, ông N. và bà M. tự ý hủy hôn cũng là việc vi phạm nghĩa vụ với nhà trai nên nhà trai có quyền đòi lại số tiền này.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử TAND huyện Phong Điền nhận định việc đưa 30 triệu đồng là có thật và được các bên thừa nhận, nhưng phía nhà trai chưa có căn cứ chứng minh có thỏa thuận với nhà gái số tiền đó phải sử dụng đúng mục đích là tổ chức 
tiệc cưới.

Ngoài ra, phía nhà trai thừa nhận ngày tổ chức đám hỏi đã có trên 30 người đến dự tiệc tại nhà gái. Tòa cho rằng chưa có căn cứ chứng minh ông N., bà M. và chị T. có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện theo điều 470 Bộ luật dân sự, nên chưa có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông P. và bà C. đòi trả lại 30 triệu đồng 
nêu trên.

Người trong cuộc 
nói gì?

Tiếp xúc với phóng viên, bà M. cho biết lâu nay ngày cưới thì nhà trai chỉ đến rước dâu rồi về chứ đâu có ăn tiệc, mà chủ yếu tiệc đãi nhà trai là ở đám hỏi (lễ đính hôn), vì vậy tiền này đã dùng cho đám hỏi.

Theo bà M., nghĩ trước sau gì con gái cũng về nhà chồng nên dù chưa tới ngày tổ chức đám cưới ông bà vẫn đồng ý cho con gái về ở phía nhà trai, nhưng trong khoảng thời gian này con gái ông bà bị K. đánh, không chịu được nữa nên ông bà mới quyết định hủy hôn.

Còn ông P. cho biết việc hủy hôn do gia đình ông N. gây ra, nên những tổn phí thì gia đình ông N. phải chịu.

“Nội chuyện đi giải thích với bà con dòng họ lý do xảy ra vụ việc trên mà chúng tôi muốn điên vì đã phát một số thiệp mời rồi. Phải chi được nói một câu mát lòng mát dạ thì chuyện này hoàn toàn có thể thương lượng, thậm chí chúng tôi cũng không cần lấy số tiền đó. Đằng này từ chỗ phải mà mình thành quấy” - ông P. nói.

Tôi cho rằng TA. Tuyên như vậy là chưa hợp tình và lý. Trong vụ án này, nhân thấy rằng nguyên nhân có tiền “chợ”, trang sức, quà cưới (sính lễ) là xuất phát từ việc cưới hỏi, mà không phải từ việc nào khác. Theo tập quán hàng ngàn đời nay, người Việt ai cũng hiểu mục đích của tiền này là nhằm nhà trai hỗ trợ nhà gái, tặng cho cô dâu, khi cưới hỏi.Nhiều ý kiến cho rằng tiền này tượng trưng cho sự thách cưới của nhà gái đối với nhà trai. Một giải thích khác cho rằng đây là khoản nhà trai đóng góp để lo tổ chức lễ cưới, ngụ ý rằng tất cả đã được chuẩn bị chu đáo. Một số dân tộc còn bắt “vạ” như: Lễ trầu cau người Tày. Do vậy, Tòa nên áp dụng tập quán pháp, giải quyết vụ án trên. Tòa án cứng nhắc, bác hoàn toàn yêu cầu của nguyên đơn là chưa kín kẽ. Riêng việc đánh đập, hành hạ… nếu có giải quyết trong một vụ án khác.

Không có nhận xét nào: